2FA là một khái niệm liên quan đến bảo mật tài khoản, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số hiện nay. Trước những nguy cơ tiềm tàng của những cuộc tấn công mang tính cá nhân và quy mô lớn, giải pháp bảo mật 2FA phát huy sức mạnh hiệu quả nhất.
2FA là gì?
Cho đến nay, yếu tố xác thực phổ biến nhất được sử dụng là tên người dùng (user) và mật khẩu (password). Phương pháp này được gọi là xác thực một yếu tố.
Vậy xác thực 2 yếu tố hay xác minh 2 bước 2FA là gì?
Trước hết, 2FA là viết tắt của cụm từ Two-factor authentication, có nghĩa là Xác thực 2 yếu tố. Đây là một phương pháp thiết lập quyền truy cập vào tài khoản trực tuyến phải qua 2 bước xác minh. Thay vì chỉ nhập mật khẩu như thường lệ.
Ngoài ra 2FA còn có nhiều cách gọi khác như bảo mật 2 lớp, xác minh 2 lớp, bảo mật 2 yếu tố, …
Tại sao nên sử dụng 2FA?
Chúng ta sẽ đi sâu về cách 2FA hay Xác minh 2 bước hoạt động. Nhưng trước hết, hãy trả lời câu hỏi tại sao chúng ta cần dùng 2FA?
Rốt cuộc, mật khẩu đã trở thành tiêu chuẩn cho bảo mật thông tin hiện nay. Thêm một bước bổ sung chỉ làm cho việc đăng nhập vào tài khoản của bạn trở nên khó khăn hơn. Vậy thì sao phải dùng 2FA cho thêm phiền phức?
Nói một cách đơn giản, các phương pháp hack hiện nay khá “mạnh” và đa dạng. Có nhiều phương pháp để lấy thông tin bí mật của người dùng.
Nguyên nhân có thể do hacker khai thác trực tiếp lỗ hỏng từ các đơn vị cung cấp dịch vụ như Facebook hay Google (chỉ là ví dụ) hoặc do người dùng mắc “bẫy” của hacker, làm lộ thông tin của bản thân.
Dù nguyên nhân như thế nào, thì hậu quả của việc bị đánh cắp thông tin cá nhân, cụ thể là tên người dùng và mật khẩu đăng nhập đều gây nên các hậu quả khá nghiêm trọng đối với cá nhân và đặc biệt là tổ chức.
Do đó, phương pháp 2FA – Xác minh 2 bước ra đời với sứ mệnh tăng cường bảo mật, giúp cho các thông tin nhạy cảm được an toàn hơn gấp nhiều lần. Từ đó giảm thiểu tối đa các vụ tấn công.
Cách hoạt động của 2FA
Hiểu đơn giản, 2FA hoạt động bằng cách yêu cầu người dùng xác minh qua 2 bước thay vì chỉ một bước là nhập tên người dùng và mật khẩu như thường lệ.
Có nghĩa là sau khi bạn nhập đúng tên đăng nhập và mật khẩu, bạn cần thêm một bước xác minh nữa mới có thể truy cập vào tài khoản.
Bước xác minh thứ hai sẽ được nhà cung cấp dịch vụ thiết lập, mỗi nơi sẽ có cách xác minh giống hoặc khác nhau.
Một số phương pháp phổ biến bao gồm:
- Mật khẩu dùng một lần (OTP) – Mật khẩu duy nhất chỉ có thể được sử dụng một lần. Đây thường là một chuỗi số ngắn được tạo dựa trên bí mật được lưu trữ trong một thiết bị vật lý như mã thông báo USB hoặc điện thoại thông minh. Sau khi xác thực, mật khẩu dùng một lần sẽ được xác minh dựa trên dịch vụ của nhà cung cấp OTP trên đám mây. Ngay cả khi ai đó quản lý để đánh cắp mật khẩu, nó không thể được sử dụng để đăng nhập thành công mà không có OTP.
- Mã PIN dựa trên thời gian – Một chuỗi các chữ số phải được nhập trong một cửa sổ ngắn, thường là 30 đến 60 giây. Mã PIN có thể được tạo bởi ứng dụng phần mềm hoặc thiết bị phần cứng có đồng hồ rất chính xác. Tính bảo mật nằm ở chỗ mã PIN chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian ngắn.
- Chứng chỉ kỹ thuật số (PKI) – Chứng chỉ kỹ thuật số do tổ chức phát hành chứng chỉ đáng tin cậy cấp, được cài đặt trên thiết bị hoặc trong trình duyệt của người dùng. Nhà cung cấp danh tính có thể kiểm tra sự hiện diện của các chứng chỉ hợp lệ cũng như thu hồi chúng bất kỳ lúc nào. Chỉ một trình duyệt có chứng chỉ hợp lệ mới được phép đăng nhập.
Ví dụ thực tế về 2FA – Xác minh 2 bước
Xác minh 2 bước với Facebook
Có bao giờ bạn đăng nhập Facebook bằng một thiết bị mới, sau khi điền đúng tên đăng nhập và mật khẩu thì facebook lại tiếp tục yêu cầu bạn xác minh bản thân bằng cách nhận diện khuôn mặt bạn bè hay điền số điện thoại để nhận mã xác minh?
Đó chính xác là bước xác thực thứ 2. Bao gồm cả bước trước đó là nhập tên người dùng và mật khẩu chính là phương pháp 2FA – Xác minh 2 bước.
Đây là ví dụ về trường hợp bạn bị động khi Facebook phát hiện hành động lạ và bắt buộc bạn phải xác minh 2 bước để chứng thực bản thân. Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động thiết lập phương pháp xác minh 2 bước cho tất cả các lần đăng nhập để đảm bảo an toàn cho tài khoản.
Xác minh 2 bước với Google
Google rất khuyến khích người dùng sử dụng phương thức bảo mật Xác minh 2 bước. Sau khi tiến hành cài đặt Xác minh 2 bước cho tài khoản. Bạn có thể trải nghiệm ngay phương thức này mỗi khi đăng nhập vào các dịch vụ của Google.
Google cũng cung cấp nhiều tùy chọn cho bước xác minh thứ 2, ví dụ như sử dụng số điện thoại để nhận mã bảo mật hoặc sử dụng một chiếc điện thoại thông minh làm thiết bị duyệt đăng nhập, tức mỗi lần đăng nhập ở một thiết bị nào đó, Google sẽ thông báo trên màn hình điện thoại, và bạn nhấn vào nút Có đồng nghĩa với phê duyệt lượt đăng nhập đó.
Tổng kết về 2FA
2FA – Xác minh 2 bước là phương pháp bảo mật được nhiều nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến áp dụng và khuyến khích người dùng sử dụng. Bao gồm rất nhiều tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Google, Facebook, Apple, Twitter, Linkedin, …
2FA là một phương pháp bảo mật hiệu quả và khá an toàn, mặc dù không có phương pháp nào có thể khẳng định 100% an toàn tuyệt đối. Nhưng với người dùng thông thường, 2FA là khá tốt để bảo vệ tài khoản cá nhân.