Thương vợ là một bài thơ Tú Xương viết tặng vợ. Các em hãy cùng tham khảo những bài văn mẫu phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ để thấy được sự trân trọngcũng như biết ơn của nhà thơ Tú Xương với những nỗi tần tảo và cơ cực của người vợ khi phải cáng đáng mọi gánh nặng gia đình.

Dàn ý bài văn phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ 

Mở bài

*Giới thiệu về tác giả Tế Xương, tác phẩm và dẫn dắt vào 4 câu thơ đầu.

Thân bài

*Hai câu đề:

-Công việc vất vả, ẩn chứa nhiều hiểm nguy:

  • Trạng ngữ “quanh năm”: nỗi vất vả triền miên, mưu sinh quanh năm suốt tháng => Chăm chỉ, tảo tần của bà Tú.
  • Danh từ “mom sông”: địa điểm làm việc chênh vênh, không vững vàng, đầy bất trắc trong công việc của bà Tú.

– Gánh nặng gia đình “Nuôi đủ năm con với một chồng”:

  • Sự đảm đang, tháo vát của bà Tú.
  • Gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai
  • Nỗi chua xót của ông Tú về sự vô dụng của mình.
  • Nhà thơ tự chế giễu mình, đặt mình ngang hàng với “năm đứa con thơ”, sống no đủ trên sự hi sinh, vất vả của bà Tú.

*Hai câu thực:

  • “Lặn lội thân cò”, “eo sèo mặt nước”: nghệ thuật đảo ngữ, ẩn dụ tô đậm nỗi nhọc nhằn, bươn chải của người vợ.

=> Một người phụ nữ kiên cường, đảm đang, giàu đức hi sinh, sẵn sàng đánh đổi cả bản thân mình vì hạnh phúc, ấm êm của gia đình.

Kết bài

*Khẳng định giá trị và nêu cảm nhận về 4 câu thơ.

Phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương vợ | 4 câu đầu bài thơ thương vợ | Văn mẫu lớp 11

Top 10 bài văn mẫu phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ chọn lọc hay nhất!

Dưới đây là top 10 bài văn mẫu phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ chọn lọc hay nhất dành cho các em học sinh tham khảo!

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 1

Trần Tế Xương là một trong những nhà thơ trung đại Việt Nam sống dưới thời xã hội thực dân nửa phong kiến. Ông là một người tài năng nhưng lại có đường công danh thi cử lận đận. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông sáng tác chủ yếu là thơ nôm trào phúng và trữ tình. Thương vợ là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông viết về một chủ đề khá hiếm trong thơ ca trung đại, đó là viết về người vợ. Tác phẩm thể hiện tình cảm của nhà thơ với người vợ có đức tính cao đẹp, chăm chỉ, vất vả qua đó tự trách, tự chế giễu bản thân mình. Đặc biệt, bốn câu thơ đầu bài thơ đã nói lên nỗi cực nhọc, tảo tần và trách nhiệm của bà Tú trong cuộc sống mưu sinh, nuôi sống gia đình:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Mở đầu bài thơ, nhà thơ Trần Tế Xương đã giới thiệu công việc vất vả của người vợ:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông”

Nhà thơ giới thiệu công việc của bà Tú là công việc “buôn bán”. Ai cũng biết “buôn bán” là một công việc rất vất vả và bận rộn. Hai từ “quanh năm” thể hiện thời gian làm việc của người vợ nhà thơ dài quanh năm suốt tháng, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Công việc buôn bán đó đã gắn liền với bà Tú biết bao nhiêu năm nay. Nơi bà Tú làm việc không phải một nơi dễ dàng và yên bình mà là một “mom sông”. Hai từ “mom sông” mở ra trước mắt người đọc một khu đất nhô ra phía sông với không gian chênh vênh không chắc chắn. Mom sông tạo một cảm giác nhiều nguy hiểm, khu đất rất dễ xạt lở xuống dòng sông. Chỉ với một câu thơ đầu ngắn ngủi thôi mà nhà thơ đã cho người đọc hình dùng được cả thời gian lẫn không gian trong công việc buôn bán vất vả của bà Tú.

Khéo léo lý giải cho công việc vất vả của người vợ, nhà thơ viết:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Thì ra bà Tú bao nhiêu tảo tần, vất vả, đi sớm về muộn để buôn bán kiếm từng đồng, từng hào là để nuôi chồng nuôi con. Hình ảnh người vợ đảm đang, vất vả khuya sớm băt đầu hiện lên với sự cảm thông, yêu thương và xót xa trong mắt nhà thơ Tú Xương. Từ “nuôi” đặt ở đầu câu thơ càng nhấn mạnh vai trò của người vợ Tú Xương trong gia đình, bởi lẽ chỉ mình bà đi làm để nuôi “đủ năm con với một chồng”. Ở ý thơ này, nhà thơ dùng số đếm “năm” “một”, người đọc liên tưởng dường như Tú Xương cũng đã đặt mình vào như một người con của bà Tú. Qua đó, nhà thơ như tự chế giễu, xót xa bởi bản thân để vợ đi làm nuôi cả gia đình. Cả gia đình chỉ mình bà Tú tảo tần, vất vả làm việc, điều đó càng khẳng định sự đảm đang cùng trách nhiệm lớn của bà Tú.

Nhà thơ tiếp tục khắc họa sự tảo tần sớm hôm, lam lũ trong công việc mưu sinh của người vợ:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”

Trong ca dao, dân ca Việt Nam, “con cò” là hình ảnh ẩn dụ chỉ người phụ nữ vốn xinh đẹp, nết na lại chăm chỉ, tảo tần. Ở đây, nhà thơ đã khéo léo sử dụng hình ảnh “con còn lặn lội bờ ao” trong ca dao xưa để nói về người vợ chịu thương chịu khó. Nhà thơ dùng nghệ thuật đảo ngữ, đặt hai từ “lặn lội” lên trước câu thơ để nhấn mạnh sự khó nhọc đè nặng lên đôi vai nhỏ bé vợ Tú Xương. Trạng từ “khi quãng vắng” nói lên công việc vất vả lúc sớm hôm, heo hút, vắng vẻ không bóng người ở những quãng đưỡng, những quãng sông buổi sớm. Điều đó cho thấy công việc buôn bán của bà luôn phải sớm hôm vất vả.

“Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Hai từ “eo sèo” cùng “buổi đò đông” trong câu thơ thể hiện tính chất công việc của bà Tú. Đó là những con đò chợ đông đúc, chen lấn, kỳ kèo. Vì cuộc sống mưu sinh, bà Tú đã phải tảo tần, bon chen trong cuộc sống chợ búa, buôn bán. Câu thơ nhấn mạnh đức hi sinh lớn lao của bà Tú, chịu bao khó khăn, nhọc nhằn để nuôi chồng con. Nếu tìm hiểu về xuất thân của vợ Tú Xương, người đọc sẽ càng cảm thông và xót xa sâu sắc cho cuộc sống vất vả của bà. Bà Tú vốn là con nhà học thức chứ không phải gia đình buôn bán, nhưng từ khi lấy Tú Xương bà trở nên đảm đang, tháo vát chợ búa do hoàn cảnh vất vả. Chính nhà thơ Tú Xương cũng từng viết về vợ mình như thế này “con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”. Qua đó, nhà thơ nói lên nỗi thấu hiểu, xót xa, thương yêu, quý trọng người vợ vất vả nuôi năm đứa con cùng người chồng lận đận đường công danh thi cử.

Với những hình ảnh dân gian, ngôn ngữ đời thường, nhiều đổi mới trong nội dung và hình thức thơ cùng yếu tố trào phúng, trữ tĩnh, bài thơ “Thương vợ” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Trần Tế Xương. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn trong bài thơ thất ngôn bát cú đường luật, bài thơ “Thương vợ” đã nói lên nỗi vất vả, nhọc nhằn, tảo tần hôm sớm của bà Tú. Qua đó thể hiện sự yêu thương, thấu hiểu của Trần Tú Xương dành cho vợ của mình.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 2

Nhan đề Thương vợ không biết có phải do tác giả hay người đời sau đặt tên cho bài thơ? Thế nhưng có một điều chắc chắn rằng bài Thương vợ được xem là một trong những bài xuất sắc nhất trong mảng thơ lớn viết về người vợ của Tú Xương.

Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi đang còn sống lại càng hiếm hoi. Các thi nhân thường chỉ làm thơ khóc vợ khi người bạn trăm năm của mình qua đời. Bà Tú Xương dù có phải chịu nghiệt ngã của cuộc đời nhưng bà lại có một niềm hạnh phúc mà bao kiếp người vợ xưa không có được, đó là bà bước vào địa hạt thi ca ở ông Tú: Bà bước vào thơ ca của ông Tú với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chồng. Tình thương vợ sâu nặng của Tú Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao và phẩm chất cao đẹp người phụ nữ – bà Tú. 4 câu thơ đầu tái hiện công việc của bà Tú cũng như những tình cảm mà tác giả dành cho vợ.

Câu thơ mở đầu nói hoàn cảnh làm ăn buôn bán của bà Tú. Hoàn cảnh vất vả, lam lũ gợi lên qua cách nói thời gian, địa điểm.

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Quanh năm là suốt cả năm, không trừ ngày nào dù nắng hay mưa, dù ấm hay lạnh. Quanh năm còn là năm này tiếp năm khác đến chóng mặt, đến rã rời chứ đâu phải chi một năm. Còn địa điểm bà Tú buôn bán là mom sông, cái doi đất nhô ra ngoài sông ấy chính là ngọn sóng, trắc trở, bà Tú phải vật lộn. Hình ảnh bà Tú tần tảo tất bật, ngược xuôi.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng.

Hình ảnh con cò trong ca dao đã tội nghiệp đến hình ảnh con cò trong thơ Tú Xương còn tội nghiệp hơn. Bởi lẽ con cò trong thơ Tú Xương không chỉ xuất hiện trong cái rợn ngợp của không gian mà còn trong cái rợn ngợp của thời gian, không gian heo hút. Khi quãng vắng diễn tả được cả không gian, thời gian chứa đầy âu lo nguy hiểm. Cách đảo ngữ – đưa từ lặn lội lên đầu câu (so với câu ca dao) Con cò lặn lội bờ sông, cách thay từ con cò bằng thân có làm tăng thêm nỗi vất vả gian truân của bà Tú, đó còn là sự sáng tạo nghệ thuật thi ca của Tú Xương. Nếu câu thơ thứ ba gợi nỗi vất vả đơn chiếc thì câu thứ tư lại làm rõ sự vật lộn với cuộc sống của bà Tú:

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Câu thơ gợi lên cảnh chen chúc, bươn bả trên sông nước của những người buôn bán nhỏ. Sự cạnh tranh chưa đến mức sát phạt nhau nhưng cũng không thiếu lời qua tiếng lại.Buổi đò đông là nỗi lo âu, nguy hiểm không kém phần so với khi quãng vắng. Buổi đò đông không chỉ có những lời phàn nàn, mè nheo, cáu gắt, những sự chen lấn xô đẩy mà còn chứa chất những bất trắc, hiếm nguy. Hai câu thực đối nhau về từ ngữ.

“Khi quãng vắng” đối lập với “buổi đò đông”

Nhưng lại là tiếp nhau về ý để làm nổi bật sự vất vả gian truân của bà Tú: đã vất vả đơn chiếc, lại thêm sự bươn bả trong cảnh chen chúc làm ăn. Hai câu thực nói thực cảnh bà Tú đồng thời cho ta thấy thực tình của Tú Xương với tấm lòng xót thương da diết. Cuộc sống vất vả gian truân càng làm sáng lên phẩm chất cao đẹp của bà Tú. Bà là người đảm đang, tháo vát.

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Chúng ta chú ý các từ ngữ: Nuôi đủ, năm, một. Như vậy bà Tú nuôi đủ sáu người. Chúng ta thấy thấp thoáng nụ cười tự hào của nhà thơ qua cách tính đếm của ông: Năm con với một chồng. Mỗi chữ trong câu thơ Tú Xương đều chứa chất bao tình ý. Từ đủ trong nuôi đủ vừa nói về số lượng, vừa nói về chất lượng.

Vậy là với bốn câu thơ đầu của bài thơ “Thương Vợ”, Tú Xương đã phần nào bộc lộ được tình cảm của mình dành cho bà Tú – người vợ đảm đang, tận tụy, hết mình vì chồng vì con của mình. Không chỉ bộc lộ tình cảm với vợ, 4 câu thơ còn thể hiện nỗi niềm chua xót của người con đất Vị Hoàng. Đường đường là đàn ông sức dài, vai rộng mà lại sống bám vào vợ, ăn ké theo đám con. Quả thật, hai câu thơ thực sự đã hằn lên một nỗi niềm tủi hổ, cay đắng rất Tú Xương.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 3

Tú Xương là một nhà thơ lớn của dân tộc luôn tỏa sáng trên bầu trời văn học Việt Nam. Thơ ông luôn mang tính chất trào phúng sâu,đả kích hoặc là thuần trữ tình sâu sắc.

Có Thể Bạn Quan Tâm:  Phân Tích 6 Câu Đầu Bài Thương Vợ Chọn Lọc Hay Nhất

Thương vợ là một bài thơ miêu tả về hình ảnh bà Tú vất vả lặng lẽ hi sinh vì chồng vì con ,qua đó cũng thể hiện được tình yêu thương của ông dành cho bà với một sự biết ơn và quý trọng người vợ của mình Chỉ với bố câu thơ đầu tiên cũng đã phần nào nói lên được sự vất vả tần tảo chịu thương chịu khó của bà Tú

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Chỉ bằng vài lời thơ hồn hậu và bình dị thì Tú Xương đã giúp cho người đọc hình dung ra được cảnh bà Tú một thân một mình gánh vác trên vai nuôi gia đình,lặn lội từ bờ sông này đến bờ sông khác chăm chỉ làm ăn kiếm tiền nuôi chồng con mà không hề than trách một lời nào.

Từ “mom” là một từ dùng để diễn tả mảnh đất trống nhô ra,là địa điểm để buôn bán nhỏ của những người dân. Là nơi họ chèo thuyền để đến buôn bán và bà Tú là điển hình quanh năm buôn bán ở đó để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống cả nhà có những đứa con thơ. Chỉ với một từ mà tác giả đã phần nào nói lên được sự khắc khổ và bươn chải của vợ mình ở ven sông đó. Không những thế ông còn ví vợ mình như thân cò lặn lội từ bờ này sang bờ khác chỉ để bì bõm tìm kiếm thức ăn. Từ quanh năm buôn bán nghĩa là không một ngày nào bà Tú nghĩ làm và xem ngày nào cũng giống như ngày nào theo thường lệ,hơn nữa từ mom càng tô đậm thêm cái chênh vênh không vững vàng của việc làm ăn,tạm bợ. Từ mom càng lột tả hết được sự nhỏ bé và cô đơn của bà khi ngồi trên đó.

Ngày xưa phụ nữ phong kiến có bổn phận trách nhiệm là phải thờ chồng nuôi con cho nên sự làm lũ vất vả của bà như vậy là một điều đương nhiên. Thờ chồng bao hàm cả việc là nuôi cả chồng của mình. Đó là sự bất công của xã hội nếu xét theo phương diện thời bấy giờ nhưng nếu mà nói về mặt đức độ thì sức tháo vát làm ăn của người vợ ấy thật đáng nể phục và đáng trân trọng biết bao. Cái từ năm con với một chồng cũng cho thấy số lượng đếm trên đầu ngón tay mà một mình bà tú gánh hết. Bà Tú nuôi cả chồng đâu có đơn giản như nuôi mấy đứa con,có khi còn rượu chè rồi bầu bạn. ấy thế mà bà vẫn nuôi được cả về số lượng lẫn chất lượng như ta đã thấy,như vậy bà Tú không chỉ là nuôi ông Tú mà còn cung phụng,thờ.

Với câu thơ thứ ba thì hình ảnh bà tú một mình thui thủi làm ăn càng hiện lên một cách đậm nét hơn

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Tú xương đã dùng một hình tượng quen thuộc để nói lên sự chăm chỉ của người vợ đó là hình ảnh con cò,một hình ảnh thân thuộc thường hay sử dụng trong văn chương. Đây là cách nói ví von ,ông không đem ra mà so sánh mà để nói lên sự chăm chỉ sáng ngày của người vợ ông hết mực yêu thương. Một tấm thân mảnh dẻ và yếu đuối mà phải chịu cảnh dãi nắng dầm sương không khi nào quản ngại khó khăn cả, đã thế còn phải lặn lội cả sớm trưa. Theo nghĩa đen thì cũng đã gợi lên sự khó khăn mệt nhọc của bà. Từ quãng vắng làm nổi lên sự hiu quạnh,lẻ loi của bà không biết bấu víu nương tựa vào đâu. Eo sèo mặt nước buổi đò đông có thể hiểu theo hai cách khác nhau. Đò đông có nghĩa là đò đã chở đầy khác,hai là đò là nơi tập hợp rất đông người.

Câu thơ miêu tả hết sức trữ tình và sâu lắng khiến cho người nghe cũng cảm thấy xót xa tội nghiệp. ông Tú tỏ ra thương cảm cho vợ mình khó nhọc và thương vợ đến vậy là cùng. Ông thấu hiểu công việc làm ăn khó khăn gian nan vất vả của bà là vậy. Khi quãng vắng buổi đò đông bà đều không quản khó khăn mệt nhọc một lòng vì chồng vì con,một lòng không kể khổ gian nan.

Không phải ông là một người dửng dưng mà là một người rất biết thương vợ. Thương vợ cũng chính là lúc ông tự trách mình không lo nổi cho vợ cho con,còn phải để cho vợ con kiêm thêm miệng ăn trong nhà. Thấy mình có lỗi với vợ con. Qua bốn câu thơ này chúng ta đã cảm thấy tình yêu thương sâu sắc của ông Tú dành cho bà và dự chịu thương chịu khó của một người vợ dành cho chồng con. Với ngòi bút tinh tế tài hoa ông đã lột tả được một cách chân thực sâu sắc.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 4

Dưới thời phong kiến, thân phận người phụ nữ có chồng rẻ rúng, bèo bọt. Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực, song văn học trung đại chưa bao giờ quan tâm tới người phụ nữ, riêng có Tú Xương. Ít nhà văn nhà thơ cùng thời nào dám viết về vợ của mình. Qua khổ thơ đầu bài thơ “Thương vợ”, ta thấy một Tú Xương đầy nhân đạo, nhân văn:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Tú Xương (1870-1907) tên khai sinh là Trần Tế Xương, một nghệ sĩ, một trí thức phong kiến. Tú Xương nổi bật trong hai mảng thơ trào phúng và trữ tình. Cả đời Tú Xương gần như chỉ bận rộn tới việc học và thi. Mọi việc trong gia đình đều do một tay bà Tú gánh vác. Tú Xương trân trọng, biết ơn và hổ thẹn với người vợ. Bài thơ “Thương vợ” gửi gắm tình cảm đó. Trong đó, 4 câu thơ đầu là hình ảnh chân thực về một bà Tú – người mẹ, người vợ khắc khổ nhưng đảm đang, tần tảo, giàu đức hi sinh.

Thể hiện điều đó, Tú Xương bắt đầu từ cách giới thiệu công việc của bà Tú:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông”

Công việc của bà Tú là buôn bán, một công việc chẳng hợp với người xuất thân “con nhà dòng” như bà Tú. Bà Tú buộc phải tham gia vào chốn ồn ã, xô bồ, phức tạp. Vì miếng cơm manh áo mà phải làm công việc vất vả ấy. Suốt thời gian “quanh năm”, bà Tú làm không ngơi nghỉ. Trạng từ chỉ thời gian “quanh năm” được đặt lên đầu câu như nhấn mạnh hơn điều này. Về không gian làm việc, Tú Xương dùng từ “mom sông”. Mom sông là một đoạn đất bổi chồi ra, ba phía là nước vây bủa. Nó gợi sự chấp chới, hiểm nghèo. Một câu thơ ngắn nhưng người đọc thấy được cả bức chân dung của người phụ nữ vất vả, nhọc nhằn. Ấy vậy, bà Tú vẫn có thể nuôi sống gia đình:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Bà Tú “nuôi đủ”, chứ không thừa, không thiếu. Một mình bà Tú gánh trên vai 5 đứa con thơ dại kèm theo “một chồng”. Hơn nữa, từ “với” tạo thế cân bằng giữa “năm con” và “một chồng”. Chính điều này đã ngầm so sánh gánh nặng nuôi chồng còn nặng ngang với cả 5 đứa con. Dường như Tú Xương đang tự mỉa mai bản thân. Ông hổ thẹn trước người vợ và châm biếm mình chỉ như một kẻ vô tích sự, chỉ là ông chồng hờ, có cho oai. Tới câu thơ tiếp, Tú Xương miêu tả chân dung bà Tú thông qua hành động:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”

Không phải đột nhiên Tú Xương thay đổi nội dung thơ chuyển tới than thân cò, thân vạc. Tú Xương đang mượn thân cò để điển hình cho hình ảnh bà Tú.

“Con cò lặn lội bờ ao

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

Bà Tú cũng như trong câu ca dao xưa, gánh nặng nuôi chồng nuôi con quá lớn đến mức ngày không đủ bà Tú phải đi làm “thêm” ban đêm. Không còn là “mom sông” nữa, hình ảnh nhân vật chuyển tới không gian của những “quãng vắng”, nơi mà luôn có những “hố tử thần” sẵn sàng lấy đi tính mạng bất cứ ai không may sa chân. Tú Xương đặt động từ “lặn lội” lên đầu câu nhằm nhấn mạnh vào bức chân dung nhân vật. Nó gợi những bước chân bập bõm, lận đận mò mẫm bùn lầy nhờ đó càng cho thấy nỗi vất vả cơ cực của bà Tú. Từ ngày về đêm và cuối cùng trở lại ngày, một vòng tuần hoàn công việc không bao giờ dứt:

“Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Bà Tú hiện lên trong không gian buổi đò đông. Lại tiếp tục là chân dung người phụ nữ phải bon chen, giành giật sự sống với đời. Thêm nữa, láy tượng thanh “eo sèo” bổ nghĩa “mặt nước” khiến người đọc liên tưởng tới không gian mặt nước mênh mông, sóng xô cuộn bọt trắng, xoáy nước hun hút tựa thủy thần quái ác túc trực nuốt chửng kẻ sa chân. Ở đâu, nơi nào ta cũng thấy rõ 2 điều, công việc vất vả, hiểm nguy và con người tần tảo, chuân chuyên.

Tóm lại, 4 câu thơ đầu bài “Thương vợ” đã cho thấy nhiều đặc sắc nghệ thuật trong cách dùng từ, sáng tạo ngôn ngữ, diễn đạt… của Tú Xương. Qua đoạn thơ, Tú Xương không chỉ ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh của bà Tú đồng thời còn thể hiện nỗi hổ thẹn của chính tác giả. Điều này khẳng định Tú Xương là người có tấm lòng nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 5

Trần Tế Xương (bút danh là Tú Xương) là nhà thơ trào phúng nổi tiếng, có lẽ là nhà thơ trào phúng đặc sắc nhất trong nền văn học của nước nhà. Thơ trào lộng, châm biếm, đả kích của Tú Xương sở dĩ được nhiều người yêu thích vì có tính chất trữ tình (trong tiếng cười có nước mắt). Dòng trữ tình trong thơ Tú Xương đôi khi được tách ra thành những bài thơ trữ tình thuần khiết, thấm thía. Hai kiệt tác “Sông Lấp” và “Thương vợ” tiêu biểu cho dòng thơ trữ tình của Tú Xương. Đặc biệt là 4 câu thơ đầu bài.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vẵng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Trần Tế Xương lận đận trong thi cử, đi thi đến lần thứ tám mới đậu được cái tú tài. Ông học giỏi nhưng phải cái ngông quá, thật ra thái độ ngông của ông là một cách ông phản kháng lại chế độ thi cử lạc lậu, quan trường “ậm ọc” lúc bấy giờ. Mà đậu được cái tú tài thì rồi cũng làm “quan tại gia” thôi. Hồi đó phải đậu cử nhân mới được bổ tri huyện. Thế là bà Tú gần như phải nuôi chồng suốt đời. Ông Tú chỉ còn biết đem tài hoa của mình mà ghi công cho bà Tú:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng”.

Từ “mom” thật là hay, vừa thấy được nỗi gian truân của bà Tú buôn bán quanh năm bên bờ sông Vị, vừa thấy được tấm lòng của nhà thơ đối với việc buôn bán khó nhọc của vợ. Từ “mom” là tổng hợp nghĩa của các từ ven, bờ, vực, thềm, thành một từ sáng tạo của nhà thơ làm giầu thêm cho tiếng Việt. Bà Tú buôn thúng bán bưng quanh năm ở “mom sông” mà nuôi chồng, nuôi con:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Câu thơ chỉ mấy con số khô khốc thế vậy mà tế toái lắm đó! “Nuôi đủ năm con” là vì con, phải nuôi, nên đếm ra để mà nuôi. Nhưng còn chồng thì một chồng chứ mấy chồng, cớ sao lại cũng phải đếm ra “một chồng”? Là vì chồng cũng phải nuôi, mà bà Tú với cái gánh trên vai nuôi năm đứa con đã là vất vả, lại thêm một ông Tú trong nhà nữa thì gánh nặng gấp đôi. Thời đó mà nuôi một ông Tú, lại là Tú Xương nữa thì nhiêu khê lắm. Nhưng bà Tú được an ủi là vì ông Tú, cái con người tưởng như chỉ biết bông đùa, cười cợt đó lại để tâm đến từng bước chân của bà trên đường lặn lội buôn bán:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Có thể nói lòng thương vợ của nhà thơ dào dạt lên trong hai câu thơ này. Hình ảnh lặn lội thân cò được tác giả mô phỏng theo một biểu tượng trong thi ca dân gian để nói về người phụ nữ lao động:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh tạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”

Nếu như từ “lặn lội” được đảo ra phía trước chủ ngữ để nhấn mạnh sự vất vả của bà Tú, thì từ “eo sèo” gợi lên âm thanh hỗn tạp (tiếng kì kèo mặc cả, tiếng cãi cọ tranh giành) của “buổi đò đông”. Hai tình huống đối lập thật hay: “vắng” và “đông”. Người phụ nữ gánh hàng lặn lội trên quãng đường vắng thật là khổ. Mà đến chỗ “đò đông” thì thật là đáng sợ! Nghĩa là nhìn từ phía nào, nhà thơ cũng thương vợ, tình thương thấm thía, cảm động.

Có Thể Bạn Quan Tâm:  Top +10 Bài Văn Tả Quả Dưa Hấu Ngắn Gọn Hay Nhất

Tóm lại “Thương vợ” là một bài thơ hay mang đậm giá trị cảm xúc của Tú Xương. Nó hay trong cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong ca dao, thành ngữ của Tú Xương. Bài thơ lại mang đậm cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc, nói lên tình cảm yêu thương, sự quý trọng mà Tú Xương dành cho vợ. Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện đức tính đẹp của người phụ nữ Việt Nam xã hội xưa nói chung và bà Tú nói riêng.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 6

Tế Xương là một nhà thơ lớn của dân tộc bản địa luôn tỏa sáng trên khung trời văn học Nước Ta. Thơ ông luôn mang đặc thù trào phúng sâu, đả kích hoặc là thuần trữ tình thâm thúy .Thương vợ là một bài thơ miêu tả về hình ảnh bà Tú khó khăn vất vả lặng lẽ hi sinh vì chòng vì con, qua đó cũng bộc lộ được tình yêu thương của ông giành cho bà với một sự biết ơn và quý trọng người vợ của mình.

Chỉ với bố câu thơ tiên phong cũng đã phần nào nói lên được sự khó khăn vất vả tần tảo chịu thương chịu khó của bà TúQuanh năm kinh doanh ở mom sôngNuôi đủ năm con với một chồngChỉ bằng vài lời thơ hồn hậu và bình dị thì Tú Xương đã giúp cho người đọc tưởng tượng ra được cảnh bà Tú một thân một mình gánh vác trên vai nuôi mái ấm gia đình, lặn lội từ bờ sông này đến bờ sông khác chịu khó làm ăn kiếm tiền nuôi chồng con mà không hề than trách một lời nào .

Từ “ mom ” là một từ dùng để miêu tả mảnh đất trống nhô ra, là khu vực để kinh doanh nhỏ của những người dân. Là nơi họ chèo thuyền để đến kinh doanh và bà Tú là nổi bật quanh năm kinh doanh ở đó để kiếm tiền giàn trải cho đời sống cả nhà có những đứa con thơ. Chỉ với một từ mom mà tác giả đã phần nào nói lên được sự khắc khổ và bươn chải của vợ mình ở ven sống đó. Không những thế ông còn ví vợ mình như thân cò lặn lội từ bờ này sang bờ khác chỉ để bì bõm tìm kiếm thức ăn .Từ quanh năm kinh doanh nghĩa là không một ngày nào bà Tú nghĩ làm và xem ngày nào cũng giống như ngày nào theo thường lệ, hơn thế nữa từ mom càng tô đậm thêm cái chênh vênh không vững vàng của việc làm ăn, tạm bợ. Từ mom càng lột tả hết được sự nhỏ bé và đơn độc của bà khi ngồi trên đó.

Ngày xưa phụ nữ phong kiến có bổn phận nghĩa vụ và trách nhiệm là phải thờ chồng nuôi con do đó sự làm lũ khó khăn vất vả của bà như vậy là một điều đương nhiên. Thờ chồng bao hàm cả việc là nuôi cả chồng của mình. Đó là sự bất công của xã hội nếu xét theo phương diện thời bấy giờ nhưng nếu mà nói về mặt đức độ thì sức tháo vát làm ăn của người vợ ấy thật đáng nể phục và đáng trân trọng biết bao .Cái từ năm con với một chồng cũng cho thấy số lượng đếm trên đầu ngón tay mà một mình bà tú gánh hết. Bà Tú nuôi cả chồng đâu có đơn thuần như nuôi mấy đứa con, có khi còn rượu chè rồi bầu bạn. ấy thế mà bà vẫn nuôi được cả về số lượng lẫn chất lượng như ta đã thấy, như vậy bà Tú không chỉ là nuôi ông Tú mà còn cung phụng, thờ.

Với câu thơ thứ ba thì hình ảnh bà tú một mình thui thủi làm ăn càng hiện lên một cách đậm nét hơnLặn lội thân cò khi quảng vắngEo sèo mặt nước buổi đò đôngTú xương đã dùng một hình tượng quen thuộc để nói lên sự chịu khó của người vợ đó là hình ảnh con cò, một hình ảnh quen thuộc thường hay sử dụng trong văn chương. Đây là cách nói ví von, ông không đem ra mà so sánh mà để nói lên sự cần mẫn sáng ngày của người vợ ông hết mực yêu thương. Một tấm thân mảnh dẻ và yếu ớt mà phải chịu cảnh dãi nắng dầm sương không khi nào quản ngại khó khăn vất vả cả, đã thế còn phải lặn lội cả sớm trưa. Theo nghĩa đen thì cũng đã gợi lên sự khó khăn vất vả mệt nhọc của bà .Từ quãng vắng làm nổi lên sự hiu quạnh, một mình của bà không biết bấu víu lệ thuộc vào đâu.

Eo sèo mặt nước buổi đó đông hoàn toàn có thể hiểu theo hai cách khác nhau. Đò đông có nghĩa là đò đã chở đầy khác, hai là đò là nơi tập hợp rất đông người .Câu thơ miêu tả rất là trữ tình và sâu lắng khiến cho người nghe cũng cảm thấy xót xa tội nghiệp. ông Tú tỏ ra thương cảm cho vợ mình khó nhọc và thương vợ đến vậy là cùng .Ông đồng cảm việc làm làm ăn khó khăn vất vả gian truân khó khăn vất vả của bà là vậy. Khi quãng vắng buổi đò đông bà đều không quản khó khăn vất vả mệt nhọc một lòng vì chồng vì con, một lòng không kể khổ gian truân .Không phải ông là một người dửng dung mà là một người rất biết thương vợ. Thương vợ cũng chính là lúc ông tự trách mình không lo nổi cho vợ cho con, còn phải để cho vợ con kiêm thêm miệng ăn trong nhà. Thấy mình có lỗi với vợ con .

Qua bốn câu thơ này tất cả chúng ta đã cảm thấy tình yêu thương thâm thúy của ông Tú dành cho bà và dự chịu thương chịu khó của một người vợ dành cho chồng con. Với ngòi bút tinh xảo tài hoa ông đã lột tả được một cách chân thực thâm thúy

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 7

Tú Xương một trong những thi sĩ nổi tiếng được người đời nhận xét là có lối văn như thể lưỡi dao sắc nhọn mô tả chân thật xã hội phong kiến lạc hậu khi xưa. Vào cái thời ông sinh sống xã hội đã đảo lộn về mọi thứ, kể cả giá trị thiêng liêng nhất là tình thương giữa người với người cũng bị mai một, biến thành một thứ không đáng để vào mắt, thơ của ông là ví dụ rõ ràng nhất cho câu “Văn học nằm ngoài những quy luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.”.

Giọng thơ đả kích, phê phán thẳng thắn, cay độc, mạnh mẽ và hiếm có của ông nổi bật trên văn đàn Việt Nam đánh thẳng vào tâm lý người đọc về xã hội năm đó đáng sợ và vô tình ra sao. Lòng người có thể băng giá cỡ nào, thấy người gặp nạn như thể không khí mà lướt qua, ngay cả tình thương, đùm bọc lẫn nhau các anh chị em trong nhà cũng lạnh lẽo không còn chút hơi ấm mà chỉ chăm chăm giành giật của cải, vật chất ba mẹ để lại.

Nhưng sắc màu văn thơ của ông nào chỉ có duy nhất sự trào phúng, châm biến mà nó còn len lỏi chút “trữ tình” tha thiết tuy ít nhưng đọng lại mãi trong tim các đọc giả “Sắc sảo nhưng có tình, trong tình có bén tựa lưỡi dao.” và thơ ông là thế. Là phản ánh sâu sắc về bộ mặt thật của xã hội thối nát nhưng phía sau xa vẫn có những mảnh tình, những hạnh phúc ấm áp, là trữ tình da diết nhưng vẫn len lỏi cái hiện thực đắng cay, cái éo le bất hạnh của đời người. Giữa dòng đời xã hội nhố nhăng, tồi tàn ông vẫn giữ lại cho mình chút sắc hồng ấm áp là tình yêu chân thành giữa người vợ và người chồng đã nên mối tơ duyên và bài thơ “Thương vợ” chính là sự biết ơn, yêu thương lớn lao của ông dành tặng cho người vợ của mình đã ngày đêm miệt mài chăm sóc gia đình không màng nắng mưa ngoài ra còn có những lời tự than tự trách bản thân ông quá vô dụng dù mang trên người cái trách nhiệm trụ cột của gia đình.

Bài thơ “Thương vợ” gồm sáu câu nhưng nổi bật nhất vẫn là bốn câu đầu nói về những hi sinh mà bà Tú đã làm cho gia đình:

”Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Chỉ vọn vẻn bốn câu nhưng Tú Xương ông đã thành công nói về những việc làm nặng nhọc của bà Tú, của người vợ mà mình yêu thương. Người phụ nữ hiền lành nết na, chân yếu tay mềm nhưng lại còng lưng ra, tự tay chăm sóc cho gia đình. Nếu vợ của Nguyễn Khuyến là phụ nữ “hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân xiêu” thì bà Tú lại khác.

“Quanh năm buôn bán ở mom sống

Nuôi đủ năm con với một chồng”

“Quanh năm buôn bán” là cảnh làm ăn đầu tắt mặt tối của bà Tú, từ ngày này qua ngày nọ, từng giây từng phút ngay khi bà vừa thức dậy là lôi quầy hàng của mình ra mom sông mà buôn bán, kiếm từng đồng từng cắc một để mà còn lo cho những bữa ăn, những manh áo cái quần cho gia đình bảy người. “Mom sông” nơi mỏm đất nhô ra, ba bề bao bọc nước hoàn nước, rất chênh vênh nguy hiểm nhưng bà không màng đến sự hiểm nguy của bản thân mà chỉ ngày đêm lo sợ chồng con không được ăn no mặc ấm. Mặt khác hai chữ “nom sông” còn gợi tả cuộc đời đắng cay, phải vật lộn với tiết trời mà sinh sống.

Gánh nặng gia đình đè lên vai một thân gầy yếu của bà và thông thương người ta đếm rau, con cá, từng cắc tiền kiếm được chứ nào ai lại “đếm” chồng, “đếm” con nhưng trong bài thơ của ông “năm con với một chồng” không phải là đếm số lượng mà là thể hiện cái sức nặng mà bà Tú đang gánh trên vai. Một mình bà phải gồng lên mà chăm sáu miệng ăn, không kể đến bà còn là phụ nữ người mà đáng ra phải được chồng thương yêu, phải ở nhà nội trợ để cho người trụ cột là ông Tú Xương lo lắng việc tiền bạc cho nhà, cho gia đình. Hai câu thơ đầu ẩn chứa nỗi niềm chua chát về gia cảnh của nhà ông, về nỗi khổ của bà Tú đông con và người chồng đang ăn lương của vợ và đồng thời ghi lại chân thật hình ảnh người vợ cần cù làm lụng ngày đêm, không để tâm tới tiết trời không để tâm tới hiểm nguy, tần tảo và đảm đang chăm lo cho gia đình.

Phần thực, tô đậm thêm chân dung bà Tú mỗi sáng mỗi tối đi đi về về, lo lắng làm ăn được ví như “thân cò” nơi “quãng vắng” mà “lặn lội” kiếm ăn. Ngôn ngữ thơ được nâng lên một nấc mới hoàn thiện hơn, rõ ràng hơn về hình ảnh bà Tú đổ từng giọt mồ hôi nước mắt, đếm từng đồng từng cắc mình đếm ra để đong đo xem có đủ cho nhà mình được bữa nào hay bữa đó

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Ở những bài thơ khác như “con cò lăn lội bờ sông”, “con cò đi đón mưa” là chỉ hình ảnh đàn cò hay là những câu ca dao người đời truyền miệng nhau thì “thân cò” trong bài thơ của Tú Xương lại là hình ảnh bà Tú ngày đêm miệt mài khiến cho người đọc không cầm nổi nước mắt, đọng lại nơi trái tim các đọc giả một cảm xúc chân thành da diết, cảm động trước thân phận vất vả, cực khổ của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến tồi tàn. “Eo sèo” là từ láy tượng thanh chỉ sự làm rầy rà bằng lời đòi, gọi liên tiếp dai dẳng, gợi tả cảnh buôn bán tranh nhau, cãi vã nơi “mặt nước” lúc “đò đông”.

Một cuộc đời lặn lội trong cảnh sắc sinh sống làm ăn “eo sèo”. Nghệ thuật đối đặc sắc đã làm nổi bật cảnh kiếm ăn kiếm kế sinh nhai cơ cực thời đó. Bát cơm manh áo mà bà Tú khổ cực kiếm được nuôi đủ năm con một chồng quả thật quá sức tưởng tượng, phải lặn lội nắng mưa mà kiếm từng miếng ăn cho chồng cho con và cho bản thân bà. Những bữa cơm ấm êm, những giấc ngủ ngon lành và bà Tú đã dùng sự khổ cực, mồ hôi nước mắt của mình đánh đổi những điều đó chỉ hy vọng chồng con được ấm bụng, được ăn ngon mặc ấm.

Có Thể Bạn Quan Tâm:  Thời Gian Chặt Hạ Trong Khai Thác Chọn Là

Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể Thất ngôn bát cú, là một trong những bài thơ “trữ tình” da diết của Tú Xương dành tặng cho vợ của mình, ghi chép lại những khổ cực của bà Tú và lòng biết ơn sâu sắc của ông dành cho bà đã gây cảm động người đọc, đã giúp người đọc như được tận mắt chứng kiến những khổ cực của người phụ nữ thời đó đã không màng hạnh phúc bản thân mà một lòng chăm lo chồng con, khổ cực và bất hạnh ra sao. Ngôn ngữ thơ bình dị, mộc mạc cùng các chi tiết trong thơ được ông chọn lọc kĩ càng, được ông dùng lối văn của mình mà khiến nó càng đậm sắc màu, như thể thơ ông đang “sống” vậy. Hình tượng thơ hàm súc, gợi cảm: thương vợ, thương mình, buồn cảnh gia đình nghèo nàn khó khăn. Là bài thơ trữ tình đặc sắc nhất của ông nói về người vợ, người phụ nữ khi xưa với bao đức tính tốt đẹp, hình ảnh bà Tú được nói đến rất gần gũi với hình ảnh người mẹ, người vợ trong xã hội thời đó.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 8

Tú Xương là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của nền văn học Trung đại Việt Nam giai đoạn cuối TK XIX, đầu thế kỉ XX. Bên cạnh mảng thơ trào phúng, Tú Xương còn có “gặt hái” được những thành tựu đáng kể ở mảng thơ trữ tình, một trong những bài thơ tiêu biểu nhất có thể kể đến “Thương vợ”. Bằng tình yêu thương và tấm lòng trân trọng vợ, tác giả đã viết nên những vần thơ chứa chán sự yêu thương, cảm thông dành cho người vợ của mình. Bốn câu thơ đầu của bài thơ đã thể hiện được nỗi đồng cảm, sự biết ơn sâu sắc của nhà thơ với sự tần tảo, vất vả của vợ.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vẵng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Hai câu đầu đoạn thơ gợi mở về công việc mưu sinh hàng ngày của bà Tú. Trạng ngữ “quanh năm” đặt đầu gợi ra nỗi vất vả triền miên, mưu sinh quanh năm suốt tháng của bài Tú. Câu thơ cho thấy được sự tảo tần, chăm chỉ mưu sinh của người đàn bà làm nghề bán buôn. Danh từ “mom sông” được sử dụng thật khéo khi vừa chỉ địa điểm làm việc, vừa, gợi sự chênh vênh, không vững vàng, đầy bất trắc trong công việc của bà Tú. Ở cái mỏm đất bên sông, hình ảnh bà Tú lam lũ càng nhỏ bé và cô đơn hơn bao giờ hết. Hình ảnh bà Tú bươn trải với cuộc sống vất vả, xô bồ, ngược xuôi với công việc buôn thúng bán bưng nặng nhọc để mưu sinh, nuôi sống gia đình thật đẹp cũng thật đáng trân trọng.

Cuộc sống dẫu có nhiều vất vả, lo toan nhưng vì chồng con, vì gia đình, bà Tú vẫn mạnh mẽ đối mặt mà không một lời oán thán:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Lẽ thường, người đàn ông là trụ cột gia đình, chăm lo cho vợ con nhưng ở đây, bà Tú lại là người nặng gánh. Câu thơ sử dụng số từ “năm”, “một” kết hợp với các danh từ “con”, chồng”, tưởng chỉ là những con số khô khan mà đọc lên nghe nhói lòng thương cảm. Bà Tú vất vả quanh năm, chịu thương chịu khó để chăm lo “nuôi đủ” chồng, con. Hai tiếng “nuôi đủ” được đặt ở đầu câu như một tiếng vang đầy tự hào cũng thật trào phúng của người chồng dành cho vợ của mình, một người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Bên cạnh đó, trong câu thơ còn chứa chan cả nỗi chua xót của ông Tú về chính mình, một kẻ bất tài, vô dụng, không giúp đỡ được gì lại trở thành gánh nặng cho vợ mình. Nhà thơ tự chế giễu mình, đặt mình ngang hàng với “năm đứa con thơ”, sống no đủ trên sự hi sinh, vất vả của bà Tú.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Trong hai câu thực tiếp theo, nhà thơ đã thể hiện được những vất vả, cực nhọc và hiểm nguy trong công việc mưu sinh đầy vất vả của bà Tú. Nghệ thuật đảo ngữ kết hợp cùng ảnh ảnh ẩn dụ đặc sắc “lặn lội thân cò” càng tô đậm nỗi nhọc nhằn, bươn chải của người vợ. Hình ảnh người phụ nữ chân chất, lam lũ trong không gian hoang vắng, heo hút, một mình lam lũ chẳng nề hà khiến ta vừa cảm phục, vừa xúc động. Tình từ tượng thanh “eo sèo” gợi lên không gian chợ búa với những thanh âm hỗn độn của kẻ bán, người mua, của những tiếng kì kèo mặc cả, cãi cọ hơn thua càng tô đậm hình tượng bà Tú cần mẫn, tất bật giữa chốn chợ búa xô bồ.

Ca dao xưa có câu:

“Con ơi nhớ lấy câu này,

Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.”

Dẫu biết là vậy, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì chồng, vì con bà Tú nào có thể dừng bước. Đôi chân gầy guộc ấy vẫn quyết xông pha nơi quãng vắng, đò đông, kiếm đôi ba đồng lo toan cho cuộc sống. Thật quả là một người phụ nữ tần tảo, giàu đức hi sinh, sẵn sàng đánh nhận về mình tất cả những vất vả, mệt nhọc vì hạnh phúc, ấm êm của gia đình. Vẻ đẹp về phẩm chất của bà thật đáng trân trọng và cảm phục biết bao.

Bằng lời thơ giản dị, những hình ảnh gần gũi mà giàu giá trị biểu đạt, Tú Xương đã thể hiện cảm xúc chân thành, tình cảm yêu thương và trân quý của ông dành cho vợ. Bốn câu thơ như một khúc nhạc ngọt ngào, xúc động nhưng đầy chua xót viết về vẻ đẹp của bà Tú nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 9

Tú Xương là nhà thơ trào phúng, nó không nhẹ nhàng nhưng thâm thúy sâu cay như Nguyễn Khuyến mà nó sâu cay, cười mỉa mai trước những cái sự đời. Bài thơ gợi lên tình cảm của nhà thơ dành cho người vợ mình nhưng đồng thời nội dung bài thơ còn thể hiện một tiếng cười về bản thân bất tài vô dụng của Trần Tế Xương.

“Quanh năm” ý chỉ ở đây là thời gian trong suốt cả năm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác bà vẫn vất vả “buôn bán” kiếm tiền nuôi gia đình. “ Mom sông” hai từ đặc tả nói lên được không gian mà bà Tú lặn lội kiếm sống, muốn nói lên được vùng đất ấy là nơi đầu sóng ngọn gió. Đó không chỉ là vùng đất thuận lợi cho việc buôn bán mưu sinh mà đó là vùng đất rất khó khăn, bấp bênh.

Tất cả Tú Xương thể hiện được như khắc họa từng cảnh vật một để làm nền cho một thân phận khổ cực như bà Tú khi phải “ nuôi đủ năm con với một chồng” bà phải gánh vác trên đôi vai gầy một chuyện không hề dễ dàng. Trên cái nền không gian và thời gian ấy, cuộc mưu sinh đầy khó khăn của bà Tú. Tú Xương bằng cách liên tưởng hình ảnh người phụ nữ trong ca dao xưa như thân cò mà sang tạo nên sự vất vả của vợ mình rằng :”Lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Hình ảnh thân cò là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho phụ nữ trong xã hội xưa.

Có điều, Tú Xương vừa tiếp thu ca dao nhưng vừa có những sáng tạo độc đáo. Dùng từ thân cò làm ý thơ mang tính khái quát cao hơn, nó giúp gợi lên cả một số kiếp, nỗi đau thân phận. Có lẽ vì thế mà tình thương của Tú Xương dành cho bà Tú trở nên sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, từ láy lặn lội, eo sèo được đảo lên trước làm nổi bật hình ảnh lam lũ, vất vả của bà Tú.

Phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ- Mẫu 10

Thơ ca Việt Nam khi xưa, trong thời Trung đại được các nhà nho dùng để dạy đời, tỏ chí. Nhà nho xưa thể hiện chỉ làm trai, nợ công danh, chí kinh bang tế thế hay những ưu tư về cuộc đời, về thời đại mà ít khai thác đời sống tình cảm, đời tư thường nhật của mình, đặc biệt là viết về người phụ nữ. Trong thế kỉ XIX có Nguyễn Khuyến và Tú Xương đã làm được điều đó. Nhưng nổi tiếng hơn cả là những bài thơ của Tú Xương. Tú Xương không chỉ lên án đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ bằng những bài thơ trào phúng sâu sắc mà còn để lại nhiều bài thơ trữ tình, nhất là về người vợ của ông. Thương vợ là một trong những bài thơ như thế, vừa sâu sắc, tình cảm, vừa hóm hỉnh, vui tươi.

Sách vở còn ghi lại, bà Tú có thời gian làm nghề buôn gạo, “bà Tú buôn gạo hàng đội hàng thúng chứ không có vốn buôn hàng thuyền” (Xuân Diệu).

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Bà Tú ở đầu bài thơ hiện lên với công việc buôn bán ở mom sông. “ Quanh năm” là thời gian đằng đằng, tuần hoàn, ngày nối ngày, người mẹ, người vợ ấy vẫn tần tảo sớm hôm buôn bản để nuôi chồng, nuôi con. Bà không có cửa hàng hay quán xá mà buôn bán ở ” mom sông”, chỉ là chỗ đất nhỏ ra ở cửa sống, nơi đầy rẫy những nguy hiển, ba bề đều là nước nơi ấy chênh vênh, không ổn định. Gợi cho người đọc sự không chắc chắn để bán buôn. Bà không chỉ bán một hay hai hôm mà quanh năm, ngày qua này, tháng tới tháng, từ năm này qua năm khác. Câu thơ đầu hiện lên hình ảnh bà Tú tần tảo, chịu khó mặc khó khănvà vất vả.

“ Nuôi đủ năm con với một chồng” mặc dù việc buôn bán vất vả để nuôi sáu miệng ăn nhưng cũng chỉ đủ ăn. Không những chỉ nuôi những đứa con thơ dại mà còn phải nuôi cả người chồng, lo lắng cho việc khoa cử mỗi lần đi thi của ông. Chỉ kể đến tiền cho chồng đi thi có khi còn nhiều hơn để nuôi những đứa con ở nhà. Nhà thơ từng lên tiếng tố cáo bọn quan lại, quắc mắt khinh đời giờ coi mình là con người nhỏ bé được bà Tú. Hai câu đề cho thấy sự vất vả nhưng rất đảm đang gánh vác và yêu thương chồng con mới dám hi sinh, chịu đựng nhọc nhằn. Đồng thời, đằng sau những vất vả của bà Tú là sự biết ơn sâu sắc của chồng và con với bà vì đã không đỡ đần được sự nhọc nhằn của bà.

Hình ảnh bà Tú lại hiện lên ở hai câu thực hết sức chân thực và sâu sắc:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Trong hai câu thơ trên, hình ảnh độc đáo và gần gũi với đời sống hàng ngày cũng như đời sống văn thơ dân gian nhất chính là hình ảnh con cò. Trong thơ Tú Xương, con cò hiện lên không phải là con cò mà được diễn đạt bằng từ “ thân cò”. “ Lặn lội thân cò” chính là sự vất vả, đơn chiếc khi kiếm ăn một mình cực nhọc biết bao khi ” quãng vắng” nơi vắng vẻ, ít người còn rất nguy hiểm. “ Thân cò” ấy lại ” eo sèo” liều lĩnh, giành giật trong làm ăn vì miếng cơm manh áo của chồng con trong ” buổi đò đông”.

Thân có ấy lặn lội, lam lũ cả một đời chính là hình ảnh biểu tượng của người phụ nữ ân cần, chăm chỉ làm vụng, lam lũ, vất vả. Thân cò ấy chính là thân phận, là sự mỏng manh trước cảnh đời khắc nghiệt. Nghệ thuậtđảo trật tự cú pháp đã làm nổi bật hình ảnh “ thân cò” lặn lội khi quãng vắng, eo sèo buổi đò đông. Một thân cò” gầy yếu nhưng lam lũ, vất vả. Qua bốn câu đầu tiên, hình ảnh bà Tú vẫn luôn là người phụ nữ vất vả, chịu đựng cùng với sự hi sinh lớn lao dành cho chồng con mình.

Bằng lời thơ giản dị, những hình ảnh gần gũi mà giàu giá trị biểu đạt, Tú Xương đã thể hiện cảm xúc chân thành, tình cảm yêu thương và trân quý của ông dành cho vợ. Bốn câu thơ như một khúc nhạc ngọt ngào, xúc động nhưng đầy chua xót viết về vẻ đẹp của bà Tú nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Lời kết

Bài viết bao gồm dàn ý và top những bài văn phân tích 4 câu đầu bài Thương vợ theo một số mẫu được chúng tôi tổng hợp, giúp các em học sinh làm và hoàn thành tốt bài văn phân tích của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *